Luật Đứng Tên Sổ Đỏ Mới Nhất Theo Quy Định Sửa Đổi 2024
Người đứng tên trên sổ là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản đất đai theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu có quyền sử dụng đất đai cho các mục đích như xây dựng nhà cửa, kinh doanh, canh tác nông nghiệp, hoặc các hoạt động khác phù hợp với quy định của pháp luật và mục đích đã ghi trong sổ đỏ.
Vai trò của người đứng tên rất quan trọng, trong Luật đứng tên sổ đỏ mới nhất có nhiều quy định nhằm đảm bảo quản lý và sử dụng đất đai một cách hợp pháp và hiệu quả. Bài viết dưới đây, Batdongsanonline.vn sẽ giúp bạn cập nhật nhanh thông tin mới nhất về luật đứng tên sổ đỏ và những vấn đề pháp lý liên quan, cùng tham khảo nhé!
Ai là người được đứng tên sổ đỏ?
Luật đứng tên sổ đỏ được Nhà nước công nhận để đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu và bảo vệ lợi ích trong trường hợp có tranh chấp hoặc mâu thuẫn xảy ra. Nói cách khác, đây là xác nhận về quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với miếng đất hoặc căn nhà đó.
Tên chủ sở hữu của tài sản đó sẽ được ghi trên sổ đỏ và xác định trong các giấy tờ pháp lý liên quan. Do đó, tên ghi trên sổ đỏ chính là tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Xét về độ tuổi, Pháp luật hiện hành ở nước ta hiện nay không có một quy định cụ thể về độ tuổi được đứng tên trong chứng thư pháp lý này. Tuy nhiên, nếu có trường hợp giao dịch bất động sản bạn cần thực hiện theo pháp luật dân sự quy định năng lực hành vi dân sự theo độ tuổi:
-
Dưới 18 tuổi: Được đứng tên ngay thời điểm nhận thừa kế, tặng cho. Tuy nhiên, không được tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản mà phải có sự đồng ý của của người đại diện.
-
Từ đủ 18 tuổi trở lên thì cá nhân tự mình xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự mà pháp luật không cấm. Hồ sơ hợp lệ sẽ được duyệt và thực hiện thủ tục theo quy định Luật đất đai.
Quy định về số lượng người đứng tên trên sổ đỏ
Giấy chứng nhận không giới hạn về số lượng người đứng tên trên Giấy chứng nhận nếu họ có chung quyền. Tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận như sau:
“Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.
Như vậy, những người được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng sẽ được ghi đầy đủ họ, tên của các đồng sở hữu và trao cho mỗi người 01 sổ đỏ. Trường hợp các đồng sở hữu cùng nhau thỏa thuận chỉ đứng tên một người đại diện thì Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng ghi tên đầy đủ họ, tên của tất cả các đồng sở hữu và trao cho người đại diện.
Quy định về quyền và nghĩa vụ của người đứng tên sổ đỏ
Người đứng tên sổ đỏ sẽ được sẽ có các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật như sau:
-
Quyền sử dụng: Người có quyền sử dụng đất được sử dụng theo ý chí riêng của mình, nhưng phải đảm bảo không gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
-
Quyền định đoạt: Người có quyền sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Bên cạnh đó, người đứng tên sổ đỏ cũng sẽ thực hiện các nghĩa vụ sau:
-
Trách nhiệm tài chính: Người đứng tên sổ đỏ phải đảm bảo tuân thủ việc đóng các loại phí và thuế liên quan đến đất đai theo quy định của pháp luật. Nếu không tuân thủ, họ có thể phải đối mặt với các hình phạt hoặc mất quyền sở hữu đất đai.
-
Quản lý thông tin sổ đỏ: Người đứng tên sổ đỏ cần bảo quản sổ đỏ một cách cẩn thận và không để mất mát hoặc hỏng hóc. Trong trường hợp mất sổ đỏ, họ cần phải thực hiện các thủ tục để cấp lại sổ đỏ tại cơ quan đăng ký đất đai.
Lưu ý: Trường hợp nhiều người có tên trên sổ đỏ, các quyền lợi và giới hạn phải được xác định rõ ràng để tránh tranh chấp và gây phiền toái.
Một số vấn đề pháp lý quan trọng khác liên quan
Một người có thể đứng tên bao nhiêu cuốn sổ đỏ?
Theo quy định, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam sẽ không bị hạn chế về số lượng và giá trị. Như vậy, một người có thể đứng tên trên 01, 02, 03… sổ đỏ mà không bị hạn chế về số lượng sổ đỏ và giá trị của các mảnh đất được đứng tên.
Nhờ đứng tên hộ trên sổ đỏ có hợp pháp không?
Việc nhờ người khác đứng tên hộ nhằm thực hiện nhiều mục đích khác nhau (như che dấu tài sản, các hoạt động chuyển dịch tài sản khác…) thì theo quy định của pháp luật đất đai không được Nhà nước ta công nhận.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì người nước ngoài (không mang quốc tịch Việt Nam) không thuộc đối tượng đứng tên sổ đỏ tại Việt Nam. Do đó, họ không là đối tượng được đứng tên trong sổ đỏ.
Quy định pháp luật về trường hợp sổ đỏ đứng tên hai vợ chồng
Trong trường hợp sổ đỏ đứng tên từ hai người trở lên là vợ chồng hợp pháp. Được xác định là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia (Điều 213 Bộ luật Dân sự năm 2015). Khi ấy, tài sản chung của vợ chồng này theo nguyên tắc phải được ghi đầy đủ họ, tên của hai người. Trừ trường hợp vợ và chồng thỏa thuận chỉ ghi tên một người.
Sổ đỏ là một phần quan trọng của hệ thống pháp luật bất động sản ở Việt Nam, đảm bảo tính hợp pháp và quyền sở hữu của tài sản bất động sản. Việc hiểu và tuân theo luật đứng tên trên sổ đỏ rất quan trọng để tránh các vấn đề pháp lý và đảm bảo quyền sở hữu của bạn. Trên đây là những quy định cần ghi nhớ về luật đứng tên trên sổ đỏ được cập nhật mới nhất. Nếu bạn còn vấn đề nào thắc mắc có thể tìm đọc Luật Đất đai năm 2013 - văn bản pháp luật về điều chỉnh lĩnh vực đất đai hiện hành. Hy vọng với những thông tin batdonsanonline.vn đã mang đến bạn đọc những thông tin hữu ích, đừng quên truy cập website để cập những thông tin, kiến thức bất động sản nhanh và mới nhất nhé!