[Quy định mới 2024] Bao nhiêu tuổi được đứng tên sổ đỏ?
Sổ đỏ là căn cứ pháp lý có giá trị chứng minh quyền sở hữu của một cá nhân với một bất động sản nào đó. Chính vì vậy, việc đứng tên sổ đỏ rất quan trọng không chỉ thể hiện quyền sở hữu mà còn mang ý nghĩa về trách nhiệm và quyền lợi của người sở hữu đối với tài sản đó.
Theo luật đứng tên sổ đỏ mới nhất có quy định rõ đối tượng và điều kiện đứng tên sổ đỏ. Vậy bao nhiêu tuổi được đứng tên sổ đỏ? Bài viết dưới đây Batdongsan Online sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc và cập nhật chính xác các quy định về luật đứng tên, cùng tham khảo nhé!.
Quy định về độ tuổi đứng tên trên sổ đỏ
Theo khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Sổ đỏ) được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, Pháp luật hiện hành cũng không có quy định cụ thể về độ tuổi được đứng tên trên sổ đỏ và không phân biệt cá nhân là người thành niên, người chưa thành niên hay trẻ em mà chỉ quy định cá nhân nói chung đều được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nên về nguyên tắc, việc đứng tên trên sổ đỏ không hạn chế về độ tuổi.
Dưới 18 tuổi có được đứng tên sổ đỏ không?
Đối với trẻ em chưa đủ tuổi vị thành niên vẫn có thể đứng tên sổ đỏ. Trong các trường hợp cho tặng đất, thừa kế tài sản từ gia đình. Tuy nhiên, đối với người đứng tên chưa đủ 18 tuổi, quyền đứng tên Sổ đỏ sẽ bị hạn chế bởi Bộ luật Dân sự 2015 khi tham gia giao dịch bất động sản là khác nhau:
-
Chưa đủ 06 tuổi thì giao dịch sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện (thay mặt).
-
Từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
-
Từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký (phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý).
- Từ đủ 18 tuổi trở lên thì cá nhân tự mình xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự mà pháp luật không cấm.
Xem thêm: Luật Đứng Tên Sổ Đỏ Mới Nhất Theo Quy Định Sửa Đổi 2023
Quy định về người đại diện theo pháp luật của trẻ em dưới 18 tuổi
Theo như phân tích ở trên thì có thể thấy, người chưa đủ 18 tuổi không tự mình xác lập giao dịch và thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản mà cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Tại Điều 136 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về người đại diện theo pháp luật của cá nhân, cụ thể như sau:
-
Cha mẹ đối với các con chưa thành niên;
-
Người giám hộ đối với người được giám hộ theo quy định của pháp luật, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi sẽ được xác định là người đại diện theo pháp luật nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tòa án chỉ định;
-
Các chủ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện theo pháp luật;
-
Các chủ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án chỉ định đối với những trường hợp bị coi là hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất đối với người dưới 18 tuổi
Thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất đối với người dưới 18 tuổi sẽ trải qua một số giai đoạn cơ bản sau:
Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho có công chứng và có công chứng tại cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ công chứng bao gồm những giấy tờ cơ bản như:
-
Phiếu yêu cầu công chứng, hợp đồng tặng cho do các bên soạn thảo
-
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp bởi chủ thể có thẩm quyền
-
Giấy tờ tùy thân của bên tặng cho và việc nhận tặng cho.
-
Giấy khai sinh của người dưới 18 tuổi.
Bước 2: Nộp hồ sơ tặng cho quyền sử dụng đất đến Trung tâm hành chính công. Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận hồ sơ, các chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ sẽ thực hiện quá trình xem xét và xét duyệt.
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính sẽ được trả lại cho người sử dụng đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
Bước 4: Người sử dụng đất sẽ đến nhận kết quả tại Trung tâm hành chính công cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã theo phiếu hẹn.